CHIẾT KHẤU THƯƠNG MẠI VÀ CHIẾT KHẤU THANH TOÁN

NHỮNG QUY ĐỊNH THUẾ VÀ KẾ TOÁN ĐỐI VỚI 2 TRƯỜNG HỢP 

- CHIẾT KHẤU THƯƠNG MẠI

- CHIẾT KHẤU THANH TOÁN

-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Đà Nẵng, ngày 20/01/2024

 

CHIẾT KHẤU THƯƠNG MẠI:

 

Tài khoản 5211 - Chiết khấu thương mại: Tài khoản này dùng để phản ánh khoản chiết khấu thương mại cho người mua do khách hàng mua hàng với khối lượng lớn nhưng chưa được phản ánh trên hóa đơn khi bán sản phẩm hàng hóa, cung cấp dịch vụ trong kỳ.

Điều 81 Thông tư 200/2014/TT-BTC

 

1. Khái niệm:

 

Theo Hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam chuẩn mực số 14 doanh thu và thu nhập khác (Ban hành và công bố theo Quyết định số 149/2001/QĐ-BTC ngày 31 tháng 12 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Tài chính):

– Chiết khấu thương mại là khoản doanh nghiệp bán giảm giá niêm yết cho khách hàng mua hàng với khối lượng lớn.

 

Bạn đọc cần phân biệt với chiết khấu thanh toán:

– Chiết khấu thanh toán là khoản tiền người bán giảm trừ cho người mua, do người mua thanh toán tiền mua hàng trước thời hạn theo hợp đồng.

 

2. Quy định về đăng ký với sở công thương: 

 

Luật Thương mại và Nghị định số 81/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại không quy định chiết khấu thương mại là một hình thức khuyến mại.

Như vậy, khi thực hiện hoạt động chiết khấu thương mại, Công ty không phải thực hiện thủ tục hành chính thông báo/ đăng ký hoạt động khuyến mại theo quy định của Luật Thương mại và Nghị định số 81/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

 

3. Hồ sơ chứng từ kế toán đối với khoản chiết khấu thương mại:

 

Theo Công văn số 1868/CT-TTHT và chuyên mục hỏi đáp CSTC trên cổng thông tin điện tử của Bộ Tài Chính https://mof.gov.vn/hoidapcstc/home/cthoidap/58805

 

"Trường hợp khách hàng không ký hợp đồng bán hàng thì khoản chiết khấu thương mại cũng được chấp nhận nếu thực hiện theo đúng pháp luật về thương mại."

 

Tuy nhiên khi có chương trình chiết khấu thương mại doanh nghiệp cần có những hồ sơ sau để giải trình và tăng tính xác thực hoạt động chiết khấu thương mại của mình:

+ Chính sách bán hàng quy định rõ về chương trình chiết khấu thương mại.

+ Hợp đồng, cam kết mua bán quy định rõ về chương trình chiết khấu thương mại.

 

4. Các hình thức chiết khấu thương mại

 

Trường hợp 1: Chiết khấu thương mại thực hiện từng lần.

 

Trường hợp 2: Chiết khấu thương mại căn cứ vào số lượng, doanh số hàng hóa, dịch vụ.

 

Trường hợp 3: Chiết khấu thương mại được lập khi kế thúc chương trình (kỳ).

 

5. Cách xuất hóa đơn về chiết khấu thương mại:

 

Công văn số 3292/TCT-CS ngày 02/08/2023 của Tổng Cục Thuế:

 

"Căn cứ vào hướng dẫn nêu trên, trường hợp cơ sở kinh doanh áp dụng hình thức chiết khấu thương mại dành cho khách hàng (nếu có) thì giá tính thuế GTGT là giá bán đã chiết khấu thương mại dành cho khách hàng. Trường hợp việc chiết khấu thương mại căn cứ vào số lượng, doanh số hàng hóa, dịch vụ thì số tiền chiết khấu của hàng hóa đã bán được tính điều chỉnh trên hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ của lần mua cuối cùng hoặc kỳ tiếp sau. Trường hợp số tiền chiết khấu được lập khi kết thúc chương trình (kỳ) chiết khấu hàng bán thì được lập hóa đơn điều chỉnh kèm bảng kê các số hóa đơn cần điều chỉnh, số tiền, tiền thuế điều chỉnh. Căn cứ vào hóa đơn điều chỉnh, bên bán và bên mua kê khai điều chỉnh doanh thu mua, bán, thuế đầu ra, đầu vào."

 

Công văn số 3575/CTTPHCM-TTHT ngày 15/04/2022 của Cục thuế TP Hồ Chí Minh và

Công văn số 4949/CTTPHCM-TTHT ngày 09/05/2022 của Cục thuế TP Hồ Chí Minh:

 

“Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp Công ty lập riêng 01 (một) hóa đơn điện tử đối với khoản chiết khấu thương mại vào cuối mỗi kỳ bán hàng thì về nguyên tắc Công ty không ghi số âm đối với giá trị chiết khấu thương mại nêu trên. Trường hợp hóa đơn điện tử của lần mua cuối cùng (hóa đơn điện tử lập theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, Thông tư số 78/2021/TT-BTC) chưa giảm khoản chiết khấu thương mại của hàng hóa đã bán thì công ty lập hóa đơn điều chỉnh giảm phần chiết khấu thương mại (ghi dấu âm) theo quy định tại tiết e khoản 1 Điều 7 Thông tư số 78/2021/TT-BTC.”

 

Trường hợp 1: Chiết khấu thương mại thực hiện từng lần:

 

+ Giá tính thuế trên hóa đơn là giá sau khi giảm trừ chiết khấu thương mại

 

Trường hợp 2: Chiết khấu thương mại căn cứ vào số lượng, doanh số hàng hóa, dịch vụ:

 

+ Số tiền chiết khấu của hàng hóa đã bán được tính điều chỉnh trên hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ của lần mua cuối cùng hoặc kỳ tiếp sau.

 

Trường hợp 3: Chiết khấu thương mại được lập khi kết thúc chương trình (kỳ):

 

+ Lập hóa đơn điều chỉnh kèm bảng kê số hóa đơn cần điều chỉnh, số tiền, tiền thuế điều chỉnh. Chú ý: không ghi số âm khi xuất hóa đơn điều chỉnh này.

 

6. Hạch toán

 

Trường hợp 1: Chiết khấu thương mại thực hiện từng lần

 

Bên bán hàng:

 

Trường hợp trong hóa đơn GTGT hoặc hóa đơn bán hàng đã thể hiện khoản giảm giá hàng bán cho người mua là khoản giảm trừ vào số tiền người mua phải thanh toán (giá bán phản ánh trên hoá đơn là giá đã giảm) thì doanh nghiệp (bên bán hàng) không sử dụng tài khoản giảm giá hàng bán, doanh thu bán hàng phản ánh theo giá đã giảm (doanh thu thuần). 

 

=> Khi giao hàng hóa và xuất hóa đơn bên bán ghi nhận doanh thu bán hàng theo giá đã giảm

 

Nợ các TK 111,112,131…: (Tiền hàng khách hàng thanh toán)

Có TK 511 – Doanh thu bán hàng đã giảm

Có TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp (tương ứng với giá tính thuế của hàng hóa sau khi giảm trừ CKTM)

 

* Lưu ý: Không sửa dụng tài khoản giảm trừ doanh thu Nợ 5211 hoặc Nợ 511 để phản ánh riêng khoản chiết khấu thương mại (Tham khảo điều 81 TT200/2014/TT-BTC)

 

Trường hợp 2: Chiết khấu thương mại căn cứ vào số lượng, doanh số hàng hóa, dịch vụ

 

Bên bán hàng:

 

Khi tính CKTM vào lần mua hàng cuối cùng hoặc lần mua hàng ở kỳ tiếp sau, kế toán hạch toán doanh thu bán hàng theo giá bán đã được điều chỉnh sau khi chiết khấu của lần mua cuối cùng hoặc lần mua hàng ở kỳ tiếp sau đó của khách hàng:

 

Nợ TK 111/112/131: Tiền hàng khách hàng thanh toán

Có TK 511 –Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (DT đã được điều chỉnh sau khi chiết khấu)

Có TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp (tương ứng với DT đã được điều chỉnh sau khi chiết khấu)

 

Trường hợp bên bán xuất riêng hóa đơn CKTM (không xuất kèm bán hàng hóa) khi khách hàng đạt đủ số lượng, doanh số hưởng CKTM thì hạch toán:

 

Nợ TK 511, 5211 – Chiết khấu thương mại

Nợ TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (thuế GTGT đầu ra được giảm nếu có)

Có các TK 111,112,131,...

 

Trường hợp 3: Chiết khấu thương mại được lập khi kết thúc chương trình (kỳ).

 

Bên bán hàng:

 

Phản ánh số chiết khấu thương mại thực tế phát sinh trong kỳ:

 

Nợ TK 511, 5211 – Chiết khấu thương mại

Nợ TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (thuế GTGT đầu ra được giảm nếu có)

Có các TK 111,112,131,...

 

7. Thời điểm điều chỉnh doanh thu

 

Điểm 1b Điều 81 Thông tư 200/2014/TT-BTC:

 

"Việc điều chỉnh giảm doanh thu được thực hiện như sau:

 

- Khoản chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán, hàng bán bị trả lại phát sinh cùng kỳ tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa dịch vụ được điều chỉnh giảm doanh thu của kỳ phát sinh;

 

- Trường hợp sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã tiêu thụ từ các kỳ trước, đến kỳ sau mới phát sinh chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán hoặc hàng bán bị trả lại thì doanh nghiệp được ghi giảm doanh thu theo nguyên tắc:

 

+ Nếu sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã tiêu thụ từ các kỳ trước, đến kỳ sau phải giảm giá, phải chiết khấu thương mại, bị trả lại nhưng phát sinh trước thời điểm phát hành Báo cáo tài chính, kế toán phải coi đây là một sự kiện cần điều chỉnh phát sinh sau ngày lập Bảng cân đối kế toán và ghi giảm doanh thu, trên Báo cáo tài chính của kỳ lập báo cáo (kỳ trước).

 

+ Trường hợp sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ phải giảm giá, phải chiết khấu thương mại, bị trả lại sau thời điểm phát hành Báo cáo tài chính thì doanh nghiệp ghi giảm doanh thu của kỳ phát sinh (kỳ sau)."

 

=> + Nếu phát sinh trong kỳ kế toán -> ghi nhận giảm doanh thu trong kỳ

     + Nếu phát sinh sau kỳ kế toán, đã nộp BCTC -> ghi nhận giảm doanh thu kỳ sau, chưa nộp BCTC -> ghi nhận giảm doanh thu kỳ trước.

 

CHIẾT KHẤU THANH TOÁN:

 

1. Khái niệm:

 

Chiết khấu thanh toán là khoản tiền người bán giảm trừ cho người mua, do người mua thanh toán tiền mua hàng trước thời hạn theo hợp đồng.

Theo Hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam chuẩn mực số 14 doanh thu và thu nhập khác.

 

2. Quy định:

 

2.1 Chiết khấu thanh toán không phải xuất hóa đơn cho bên mua:

 

Thông tư 219/2013/TT-BTC quy định trong khoản 1 Điều 5 như sau:

 

"Điều 5. Các trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT

Cơ sở kinh doanh khi nhận khoản tiền thu về bồi thường, tiền thưởng, tiền hỗ trợ nhận được, tiền chuyển nhượng quyền phát thải và các khoản thu tài chính khác thì lập chứng từ thu theo quy định. Đối với cơ sở kinh doanh chi tiền, căn cứ mục đích chi để lập chứng từ chi tiền."

 

=> Chiết khấu thanh toán là khoản chi phí tài chính mà bên bán chấp nhận chi trả cho bên mua, không phải là việc bán hàng hóa, dịch vụ. Do đó, bên bán và bên mua lập Phiếu chi và Phiếu thu khi nhận tiền Chiết khấu thanh toán, chứ không lập hóa đơn.

 

2.2 Chiết khấu thanh toán được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp

 

Căn cứ theo quy định tại Điều 4 của Thông tư 96/2015/TT-BTC, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng những điều kiện sau:

 

- Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp;

 

- Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật;

 

- Khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

 

=> Như vậy, Chi phí Chiết khấu thanh toán được tính chi phí hợp lý khi có hợp đồng mua bán ghi rõ việc Chiết khấu thanh toán và chứng từ thanh toán đúng quy định.

 

Đối với bên mua, căn cứ vào chứng từ thu tiền, khoản chiết khấu này được tính vào khoản thu nhập chịu thuế theo quy định tại Khoản 15 Điều 7 của Thông tư 78/2014/TT-BTC.

 

2.3 Quy định về việc nộp thuế Thu nhập cá nhân đối với bên nhận Chiết khấu thanh toán

 

Việc xác định nghĩa vụ thuế Thu nhập cá nhân của cá nhân khi mua hàng hóa nhận được khoản Chiết khấu thanh toán sẽ phụ thuộc vào việc cá nhân đó là cá nhân kinh doanh hay cá nhân không kinh doanh; Cụ thể:

 

+ Đối với cá nhân không kinh doanh, mua hàng về chỉ để tiêu dùng, là người tiêu dùng cuối cùng, hàng hóa mua về không bán lại thì khoản Chiết khấu thanh toán không phải chịu thuế Thu nhập cá nhân.

 

+ Đối với cá nhân là đại lý bán hàng hóa, khoản Chiết khấu thanh toán nhận được thuộc diện chịu thuế Thu nhập cá nhân với thuế suất 1% theo quy định tại Danh Mục ngành nghề tính thuế Giá trị gia tăng, thuế Thu nhập cá nhân theo tỷ lệ % trên doanh thu đối với cá nhân kinh doanh ban hành kèm theo Thông tư 92/2015/TT-BTC.

 

3. Hạch toán:

 

Người bán lập phiếu chi, người mua lập phiếu thu để trả và nhận khoản chiết khấu thanh toán. Căn cứ vào phiếu thu, chi 2 bên hạch toán chiết khấu thanh toán như sau:

 

Bên người bán:

 

Nợ TK 635 – Chi phí tài chính

Có các TK 111,112,131,… (Số tiền thực hiện chiết khấu thanh toán)

 

Bên người mua:

 

Nợ các TK 111,112,131,… (Số tiền được nhận từ chiết khấu thanh toán)

Có TK 515 – Doanh thu hoạt động tài chính

 

------------------------------------------------------------------

 - Đại lý thuế ATT chuyên:

  • ​Dịch vụ kế toán thuế.
  • Cung cấp Hóa đơn điện tử, Chữ ký số.
  • Dịch vụ thành lập doanh nghiệp, hộ kinh doanh, thay đổi thông tin DN, tạm ngừng kinh doanh, giải thể DN

​- Hotline tư vấn: 0905.654.656: Ms Trang - 0935.069.669: Ms Toan

- Trụ sở chính: Tầng 4, 168 Lý Thái Tông,  Phường Hòa Minh, Quận Liên Chiểu, Thành phố Đà Nẵng, Việt Nam.

- Website: https://www.ketoanatt.com/

 

Danh mục bài viết

Thống kê truy cập

Đang trực tuyến: 1
Hôm nay: 116
Hotline tư vấn:
0905.654.656